Cần những trung tâm logistics quy mô lớn để cạnh tranh với hàng giá rẻ Trung Quốc

Posted by admin

Những trung tâm logistics quy mô lớn, tích hợp nhiều chức năng đa dạng sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh cả trong nước và quốc tế.

Còn thiếu các trung tâm logistics quy mô lớn

Hội nghị logistics Việt Nam lần thứ hai năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” được Báo Đầu Tư tổ chức vào ngày 31/10 tại thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp trong ngành.

Thời gian qua, các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein, Taobao… cùng với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam với tốc độ giao hàng nhanh chóng và mức giá siêu rẻ. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp, đơn vị và cả người tiêu dùng đặt câu hỏi “Vì sao Trung Quốc lại làm được điều đó” 

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, Trung Quốc đã xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện, đặc biệt trong lĩnh vực logistics. Không chỉ dừng lại ở khâu hoạch định, quốc gia này còn triển khai các kế hoạch một cách bài bản và hiệu quả.

Theo ông Hải, một yếu tố quan trọng làm nên thành công này là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước Trung Quốc. Chính phủ không chỉ giữ vai trò cân bằng và ổn định thị trường mà còn chủ động tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp logistics mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.

Theo ông Trần Thanh Hải, chính những điểm khác biệt trong cách vận hành và hỗ trợ đã giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tạo nên lợi thế cạnh tranh vượt trội, không chỉ trong ngành logistics mà còn ở nhiều lĩnh vực khác. Qua thời gian, các doanh nghiệp này đã tích lũy đủ nguồn lực để vươn mình trở thành những tập đoàn lớn mang tầm quốc tế, đủ sức cạnh tranh ngang hàng trên thị trường toàn cầu. Khi tiến vào thị trường Việt Nam, họ không chỉ có kinh nghiệm mà còn sở hữu nhiều lợi thế để khai thác thị trường một cách hiệu quả.

Hiện nay, một lượng lớn hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam đặt qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, chủ yếu từ Trung Quốc, thực chất là những sản phẩm mà Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất. Tuy nhiên, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lại có giá rẻ hơn đáng kể nhờ vào chi phí logistics thấp. Điều này đặt ra bài toán cấp thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam: Làm sao để thu hẹp khoảng cách về chi phí và hiệu quả logistics? Nếu không sớm giải quyết vấn đề này, nguy cơ các ngành sản xuất trong nước bị lấn át là điều khó tránh khỏi.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh rằng, các trung tâm logistics đóng vai trò then chốt trong hệ thống hạ tầng logistics, giữ nhiệm vụ kết nối các loại hình giao thông như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, và đường sắt. Tuy nhiên, ở Việt Nam, sự phát triển của các trung tâm logistics vẫn còn rời rạc và mang tính tự phát, chưa đạt đến mức đồng bộ cần thiết.

Hiện tại, phần lớn các trung tâm logistics chỉ phục vụ thị trường nội địa với quy mô nhỏ và cơ sở hạ tầng còn đơn giản. Việt Nam vẫn thiếu những trung tâm logistics hiện đại, có quy mô lớn và tính chuyên môn cao. Ví dụ, các trung tâm chuyên về nông sản, kho lạnh lớn hay khu lưu trữ hiện đại có thể phục vụ hệ thống bán lẻ, siêu thị và tăng giá trị cho hàng xuất khẩu. Những trung tâm này giúp nâng cao hiệu quả logistics và thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ khả năng phát triển các trung tâm logistics hiện đại. Tuy nhiên, sự xuất hiện của một số mô hình do các nhà đầu tư nước ngoài triển khai đã giúp hệ thống logistics tại Việt Nam dần được nâng cấp. Ông bày tỏ kỳ vọng rằng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều trung tâm logistics quy mô lớn, hiện đại và đa chức năng, tạo cơ hội để doanh nghiệp nội địa học hỏi, áp dụng những mô hình tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cơ hội từ các khu thương mại tự do

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh rằng khu thương mại tự do có thể trở thành một giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics trong thời gian tới.

Ông đánh giá rằng, những khu vực này sẽ là lợi thế để các doanh nghiệp thiết lập cơ sở và lưu trữ hàng hóa mà chưa phải chịu các quy định khắt khe về thuế quan hay quản lý hành chính. Đồng thời là nền tảng để triển khai các dịch vụ logistics chuyên sâu. Tại đây, các hoạt động như phân loại, đóng gói, hay cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khác sẽ được thực hiện, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, việc hình thành các khu thương mại tự do sẽ là một điểm nhấn quan trọng, giúp thu hút hàng hóa từ các quốc gia trung chuyển qua Việt Nam và tận dụng các dịch vụ logistics trong nước. Theo ông, hiện đã có nhiều địa phương bày tỏ sự quan tâm và mong muốn triển khai mô hình này. Chính phủ đã cho phép Đà Nẵng thí điểm, và sắp tới Hải Phòng cùng Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang đề xuất kế hoạch tương tự.

Bên cạnh những địa phương sở hữu lợi thế về cảng biển, ông Hải nhấn mạnh rằng các khu vực có hạ tầng giao thông phát triển và luồng hàng hóa sôi động như Đồng Nai với sân bay Long Thành đang được xây dựng, hay các cửa khẩu biên giới tại Lạng Sơn, Lào Cai, Tây Ninh… cũng là những địa điểm đầy tiềm năng để triển khai khu thương mại tự do trong tương lai.

Trong bối cảnh hiện nay, dư luận toàn cầu đang hướng sự chú ý vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ, một sự kiện được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến dòng chảy thương mại quốc tế và ngành logistics. Kết quả bầu cử và những chính sách thương mại của chính quyền mới tại Hoa Kỳ được đánh giá sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải cũng nhấn mạnh rằng, ngoài yếu tố chính trị, các thách thức như thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh cũng sẽ đặt ngành logistics trước những biến động lớn. “Các doanh nghiệp logistics cần chủ động đánh giá tình hình, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia phân tích để xây dựng các kịch bản ứng phó, đảm bảo khả năng thích nghi và chống chịu trước những thay đổi bất ngờ,” ông Hải khuyến nghị.

Báo Đầu Tư

Leave a Reply