Sức ép từ Temu, Taobao: Việt Nam cần giảm chi phí logistics xuống còn 5% GDP để cạnh tranh

Posted by admin
Category:

Hiện nay, chi phí logistics Việt Nam chiếm khoảng 18% GDP, một con số được đánh giá là khá cao. Các chuyên gia cho rằng, để có thể cạnh tranh hiệu quả với hàng hóa từ các thị trường khác, Việt Nam cần hạ ức chi phí này xuống còn 5%.

Hàng giá rẻ nhờ chi phí Logistics thấp

Trong khuôn khổ Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 năm 2024, diễn ra vào ngày 31/10 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá,” ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã chỉ ra sự gia tăng nhanh chóng của hàng hóa từ các nền tảng thương mại điện tử như Temu, Shein và Taobao tại Việt Nam. Các sản phẩm này không chỉ có tốc độ giao hàng cực kỳ nhanh mà còn có mức giá hấp dẫn, thậm chí là rất thấp.

Ông Hải nhận định, một phần lý do cho sự cạnh tranh vượt trội này là nhờ chiến lược phát triển vững chắc mà Trung Quốc đã xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực logistics. Quốc gia này đã triển khai chiến lược hiệu quả, giúp các doanh nghiệp trong nước tích lũy sức mạnh, vươn lên trở thành những “ông lớn” và có thể cạnh tranh toàn cầu. Nhờ đó, khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp này không chỉ nắm bắt được lợi thế mà còn khai thác rất hiệu quả nhu cầu tiêu dùng của người Việt.

“Hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam mua qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt từ Trung Quốc hầu hết là các sản phẩm mà Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất. Tuy nhiên, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lại có mức giá cạnh tranh hơn nhiều nhờ chi phí logistics thấp. Đây là thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, khi bài toán giảm chi phí logistics để thu hẹp khoảng cách về giá trở thành vấn đề cấp bách. Nếu không giải quyết, các ngành sản xuất trong nước có nguy cơ bị lấn át,” ông Hải nhận định.

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ thêm về sự phát triển hạ tầng logistics nhanh chóng của Trung Quốc. Ông cho biết, thời gian cấp phép xây dựng tại Trung Quốc rất nhanh, ví dụ nhà máy ô tô Tesla chỉ mất 11 tháng từ quyết định đầu tư đến khi hoàn thành. Hay một trung tâm thương mại quy mô lớn như Aeon chỉ cần dưới 3 tháng để hoàn tất xây dựng. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã phát triển mạng lưới cao tốc lớn nhất thế giới, kết nối các vùng kinh tế và hỗ trợ vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics.

Logistics cần giảm xuống 5% GDP để nâng cao khả năng cạnh tranh

Theo Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO của Việt Nam SuperPort, Việt Nam đang được đánh giá là trung tâm kết nối trong khu vực. Ông cho rằng, để giảm thiểu các rủi ro về chính sách, Việt Nam cần một tầm nhìn dài hạn kéo dài đến 50 năm, thay vì giới hạn ở 10 hay 15 năm như hiện tại. Ông cũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư trong ngành logistics. Vì logistics đóng vai trò như “mạch máu” của nền kinh tế, nếu hệ thống này không được vận hành hiệu quả, toàn bộ nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

“Hiện tại, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 18% GDP, một mức rất cao. Để có thể cạnh tranh tốt hơn với các thị trường khác, chúng ta cần giảm chi phí này xuống còn 5%,” ông Weng cho biết.

Để rút ngắn khoảng cách với hàng hóa từ Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh tầm quan trọng của các trung tâm logistics trong việc kết nối với hạ tầng giao thông như cảng biển, sân bay, đường cao tốc và đường sắt.

Tuy nhiên, sự phát triển các trung tâm logistics tại Việt Nam thời gian qua vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và thiếu đồng bộ. Hiện nay, phần lớn các trung tâm này chỉ phục vụ nhu cầu nội địa với cơ sở hạ tầng còn đơn giản, thiếu các trung tâm quy mô lớn và hiện đại theo chuyên ngành. Do đó, khả năng liên kết giữa các địa phương và các doanh nghiệp logistics vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt các trung tâm chuyên dụng, như trung tâm logistics cho nông sản, kho lạnh quy mô lớn… để lưu trữ, phân phối hàng hóa đến hệ thống bán lẻ, siêu thị. Kết quả là giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu chưa được nâng cao.

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa thuộc Bộ Giao thông Vận tải, nhận định rằng hệ thống đường thủy nội địa hiện tại đang giúp giảm khoảng 20% chi phí logistics. Đặc biệt, vận chuyển hàng hóa qua đường thủy tại TP.HCM có thể tiết kiệm đến 50% chi phí, đồng thời góp phần giảm phát thải, giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, đầu tư công vào lĩnh vực này hiện chỉ chiếm khoảng 2% – một con số khiêm tốn và khá bất hợp lý. Sự thiếu hụt trong đầu tư công này đã phần nào hạn chế sự phát triển của đường thủy nội địa. Ông Thu nhấn mạnh rằng, nếu tăng cường đầu tư công một cách đồng bộ và hợp lý hơn vào hạ tầng đường thủy nội địa và tăng cường kết nối với các cảng biển, sẽ mang lại hiệu quả lớn cho ngành logistics. Đầu tư công cũng sẽ đóng vai trò làm “vốn mồi” thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Hiện tại, Việt Nam đang tích cực triển khai hệ thống cao tốc và dự kiến đến năm 2030 sẽ có 5.000 km đường cao tốc được đưa vào sử dụng. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển hệ thống đường sắt kết nối miền Bắc, tuyến đường nối với Lào và các nước có biên giới chung. Ngoài ra, nước ta cũng đang xem xét việc thí điểm các vùng phi thuế quan và khu thương mại xuyên biên giới với các quốc gia láng giềng.

Trong kỳ họp thứ tám hiện tại, Quốc hội đang thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi cho bốn bộ luật trong lĩnh vực đầu tư: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, và Luật Đấu thầu. Mục đích là nhanh chóng tháo gỡ các trở ngại về mặt thể chế, đơn giản hóa các quy trình hành chính, đồng thời đẩy mạnh việc phân cấp và phân quyền trong các hoạt động quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư công tư và đấu thầu.

“Các dự án này khi triển khai sẽ thu hút nhiều nguồn lực, tạo sự phối hợp và đồng nhất, giúp nền kinh tế có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai gần. Bên cạnh đó, với những tín hiệu tích cực về việc dần tháo gỡ cơ chế và thúc đẩy hạ tầng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng logistics,” ông Lê Tuấn Anh bày tỏ kỳ vọng. 

Mint Nguyễn

Leave a Reply