Địa chính trị: Thách thức lớn đối với lãnh đạo chuỗi cung ứng

Posted by admin
Category:

Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những biến động địa chính trị và gián đoạn chưa từng có, các chuỗi cung ứng trên thế giới buộc phải tái cấu trúc và đổi mới để giữ vững tính cạnh tranh. Đối diện với các rủi ro phức tạp, từ tắc nghẽn thương mại đến biến động tỷ giá, các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng cần một chiến lược chuẩn bị tổ chức toàn diện và linh hoạt, giúp tổ chức phát triển mạnh mẽ trong nghịch cảnh.

Các thách thức địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng

Trong những năm đầu của thập kỷ, chuỗi cung ứng toàn cầu đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới nổi, gây ra bởi các cuộc chiến thương mại, đại dịch COVID-19, căng thẳng chính trị và biến đổi khí hậu. Các yếu tố này làm gia tăng đáng kể mức độ phức tạp và căng thẳng cho các chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số rủi ro địa chính trị với thương mại (GPRT) từ năm 2020 đến 2024 đã tăng khoảng 30% so với hai thập kỷ trước, cho thấy sự biến động ngày càng cao trong quan hệ thương mại. Đồng thời, chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) gần như tăng gấp ba lần, làm rõ sự căng thẳng chưa từng có mà các chuỗi cung ứng phải đối mặt.

Những biến động này không chỉ là các sự cố đơn lẻ mà phản ánh những thách thức có hệ thống. Chúng cho thấy một thực tế: chuỗi cung ứng ngày nay không chỉ cần ứng phó nhanh với gián đoạn mà còn phải xây dựng khả năng chống chịu lâu dài – hay “anti-fragility” – một năng lực không những chịu được nghịch cảnh mà còn ngày càng mạnh mẽ hơn. Các yếu tố này đang đẩy nhanh nhu cầu đổi mới và phát triển tầm nhìn chiến lược trong quản lý chuỗi cung ứng, buộc các tổ chức phải tăng cường năng lực để duy trì vị thế cạnh tranh.

7 rủi ro cần quan tâm trong chuỗi cung ứng hiện đại

Dưới áp lực của những biến động trên, bảy rủi ro chính đã nổi lên, đòi hỏi các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng chú trọng và xây dựng kế hoạch đối phó ngay lập tức:

  1. Thay đổi thuế quan và yêu cầu quy định: Căng thẳng thương mại và thay đổi chính sách nhanh chóng có thể làm gia tăng chi phí và làm gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng. Việc hiểu biết sâu sắc về các quy định thương mại và có kế hoạch đối phó kịp thời là cần thiết để tránh các tổn thất.
  2. Tắc nghẽn thương mại: Các sự kiện như tắc nghẽn Kênh đào Suez cho thấy sự phụ thuộc cao vào các tuyến đường chính. Tình trạng này nhấn mạnh tầm quan trọng của các chiến lược dự phòng và đa dạng hóa logistics để giảm thiểu rủi ro.
  3. Hạn chế về nguyên liệu quan trọng: Các chuỗi cung ứng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguyên liệu, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp. Đa dạng hóa nhà cung cấp và đầu tư vào nguyên liệu thay thế là một giải pháp hữu hiệu để đối phó với tình trạng khan hiếm.
  4. Gia tăng các cuộc tấn công mạng: Khi chuỗi cung ứng ngày càng số hóa, nguy cơ bị tấn công mạng cũng gia tăng, gây tổn hại dữ liệu và uy tín thương hiệu. Đảm bảo an ninh mạng là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.
  5. An ninh năng lượng và chuyển đổi bền vững: Xu hướng bền vững đặt áp lực kép lên các chuỗi cung ứng – vừa phải đảm bảo nguồn cung năng lượng đáng tin cậy vừa thực hiện chuyển đổi xanh. Điều này tác động trực tiếp lên chi phí và các quyết định sản xuất.
  6. Gián đoạn lao động: Khó khăn trong tuyển dụng lao động kỹ thuật, lạm phát tiền lương và biến động trong cơ cấu nhân lực đang gây cản trở cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
  7. Biến động tỷ giá và rủi ro tài chính:  Căng thẳng địa chính trị làm gia tăng sự bất ổn tài chính, ảnh hưởng đến chi phí chuỗi cung ứng và khả năng sinh lợi của các khoản đầu tư.

Sẵn sàng xây dựng năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh này, sự sẵn sàng về tổ chức là yếu tố then chốt giúp chuỗi cung ứng chống chịu tốt và thích nghi nhanh chóng. Các Giám đốc Chuỗi cung ứng (SCO) và CEO cần đưa ra những chiến lược cụ thể để giải quyết từng thách thức trên thông qua các câu hỏi cốt lõi về tói ưu hóa và quản lý rủi ro như tối ưu hóa mô hình hoạt động, rõ ràng trong quyết định, xây dựng quy trình số hóa.

Những câu hỏi này khi được cập nhật và giải quyết thường xuyên sẽ giúp chuỗi cung ứng trở nên linh hoạt và ứng phó tốt hơn với các gián đoạn phức tạp trong tương lai. Các yếu tố như tối ưu hóa vốn lưu động, xây dựng mạng lưới nhà cung cấp đa dạng và thực hiện các bài kiểm tra khả năng chống chịu định kỳ là những bước quan trọng để củng cố vị thế cạnh tranh.

Tầm nhìn cho chuỗi cung ứng bền vững

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng đối mặt với sự biến động không ngừng, các nhà lãnh đạo cần định hình lại chuỗi cung ứng theo hướng linh hoạt, bền vững và có khả năng chống chịu. Các chỉ số và dữ liệu gần đây cho thấy rằng các gián đoạn sẽ không chỉ là tạm thời mà sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian dài. Do đó, xây dựng năng lực tổ chức vững mạnh là yếu tố cốt lõi để chuỗi cung ứng không chỉ tồn tại mà còn phát triển và vượt qua các thách thức phức tạp.

Bằng cách đầu tư vào công nghệ, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ và chủ động thích nghi với các thay đổi, các nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng sẽ tạo dựng lợi thế cạnh tranh trong một thế giới ngày càng bất ổn. Thay vì chỉ ứng phó theo phản xạ, họ cần một tầm nhìn chiến lược sâu rộng để đảm bảo chuỗi cung ứng không chỉ là một bộ phận hỗ trợ mà trở thành tài sản cốt lõi, giúp tổ chức thành công trong mọi bối cảnh địa chính trị.

Phong Lê

Leave a Reply